Virus gây bệnh leukemia – bệnh bạch cầu ở mèo (FeLV)

Virus gây bệnh leukemia – bệnh bạch cầu ở mèo (thường được gọi là bệnh FeLV hoặc bệnh bạch cầu ác tính) có thể gây ra một loạt các bệnh về khối u, trong đó nặng nhất là ung thư hạch, khối u rắn của tế bào lympho (một loại tế bào bạch cầu) và khối u phổ biến nhất của mèo. Ung thư hạch có thể có một số hình dạng tùy thuộc vào các mô liên quan. Ít phổ biến hơn, Tân sản (một sự phát triển mới) phát sinh trong tủy xương, gây ra bệnh bạch cầu thực sự hoặc rối loạn myeloproliferative (MPD) - là ung thư máu hiếm gặp có nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp ung thư hạch hoặc bệnh bạch cầu ở mèo đều liên quan đến nhiễm bệnh FeLV - virus này chỉ là một nguyên nhân tiềm ẩn.

Bệnh lâm sàng do nhiễm FeLV cũng có thể là do suy giảm miễn dịch và hình ảnh lâm sàng liên quan có thể rất giống với bệnh do virus gây suy giảm miễn dịch ở mèo (FIV) gây ra. Bệnh FeLV cũng gây bệnh theo những cách khác và có liên quan đến một loạt các hội chứng lâm sàng bao gồm thiếu máu, tình trạng thần kinh, viêm ruột xuất huyết và vô sinh.

Bệnh FeLV lây lan như thế nào?

FeLV không tồn tại trong thời gian dài bên ngoài cơ thể của mèo và việc truyền bệnh đòi hỏi phải tiếp xúc gần gũi giữa những con mèo. Sau khi tiếp xúc, bệnh FeLV có thể gây nhiễm trùng dai dẳng. Trong trạng thái này, virus liên tục hiện diện trong máu (viraemia – hay còn gọi là Virus-huyết, thuật ngữ mô tả sự hiện diện của virus trong máu) và được bài tiết trong tất cả các chất tiết cơ thể, trong đó quan trọng nhất là nước bọt. Sự lây truyền thường liên quan đến phơi nhiễm kéo dài thông qua tiếp xúc gần gũi, kéo dài với một con mèo bị nhiễm bệnh và được cho là hệ quả thường xuyên do sự liếm/chải lông lẫn nhau giữa các con mèo, dẫn đến sự xâm nhập của virus.

[caption id="attachment_434" align="alignnone" width="601"]Virus Felv Virus Felv[/caption]

Mèo bị nhiễm bệnh FeLV thường vô sinh nhưng nếu mèo cái bị nhiễm bệnh có thể sinh sản, mèo con rất có khả năng bị nhiễm virus khi sinh. Mèo con cũng có thể bị nhiễm virus từ việc bú sữa bị nhiễm virus từ mèo mẹ.

Động vật trở nên chống nhiễm khuẩn nhiều hơn theo tuổi tác, do đó, mèo trưởng thành ít có khả năng bị nhiễm bệnh hơn so với mèo con. Những con mèo tiếp xúc với virus và sau đó khỏi bệnh sẽ có hệ miễn dịch vững chắc và chống lại việc nhiễm bệnh sau này.

Sự truyền nhiễm bệnh FeLV phổ biến như thế nào và các yếu tố nguy cơ là gì?

Tỷ lệ nhiễm FeLV khác nhau ở các nhóm mèo khác nhau. Lối sống của mèo sống trong các nhóm đông hoặc hộ gia đình, đặc biệt là các “trại mèo” – nhận nuôi, giữ mèo cho chủ khi đi vắng hoặc nuôi nhốt để bán, đặc biệt thuận lợi cho sự lây lan của FeLV. Tuy nhiên, virus đã được loại bỏ khỏi hầu hết các trại mèo nhân giống phả hệ bằng cách sử dụng một hệ thống kiểm tra và cách ly để việc lây nhiễm là không khả thi tại các nơi này.

[caption id="attachment_433" align="alignnone" width="605"]Trại nuôi nhốt mèo chung có nguy cơ lây nhiễm FeLv Trại nuôi nhốt mèo chung có nguy cơ lây nhiễm FeLv[/caption]

Một tỷ lệ thấp, thường là ít hơn 1%, được tìm thấy khi thử nghiệm trên các con mèo khỏe mạnh. Các khảo sát về mèo bị bệnh, trong đó FeLV được ghi nhận có mức độ phổ biến và tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 18%. Mặc dù những kết quả này có thể nói quá lên việc FeLV là nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng chúng cũng chỉ ra rằng FeLV là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh.

Vì những con mèo lớn tuổi được ghi nhận là ít bị nhiễm bệnh hơn so với mèo con, nên có một quan niệm sai lầm rằng mèo lớn sẽ không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên sự thật là rõ ràng những con mèo lớn vẫn có thể bị nhiễm bệnh.

Kết quả khảo sát về sự phổ biến của FeLV ở những con mèo hay thả rông hay mèo hoang đã trái ngược nhau. Trong một số khảo sát, tỷ lệ nhiễm bệnh cao đã được tìm thấy ở những con mèo này, trong khi ở những kết quả khác lại chỉ có một tỷ lệ nhỏ mèo bị nhiễm bệnh được xác định. Vì vậy, sự khác biệt về địa lý có thể nguyên nhân để giải thích về sự khác nhau này.

Nhiễm bệnh FeLV sẽ gây ra điều gì?

Những con mèo bị nhiễm FeLV thường có tuổi thọ ngắn và khoảng 90% sẽ chết trong vòng bốn năm sau khi bị nhiễm bệnh. Thông thường, những con mèo được xét nghiệm và phát hiện dương tính đã bị nhiễm bệnh trong một thời gian và có thể có tuổi thọ thậm chí còn ngắn hơn. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ mèo bị nhiễm bệnh có thể sống trong thời gian dài hơn. Tuy vậy cũng không có xét nghiệm tiên lượng nào có thể dự đoán một con mèo bị nhiễm bệnh sẽ sống được trong bao lâu.

Xét nghiệm FeLV

Nhiễm FeLV dẫn đến sự hiện diện liên tục trong máu của virus truyền nhiễm, kháng nguyên virus hòa tan và kháng nguyên tế bào bạch cầu. Chúng có thể được phát hiện bởi nhiều hệ thống xét nghiệm bao gồm các bộ xét nghiệm được thiết kế để sử dụng trong thực hành thú y cũng như các xét nghiệm được sử dụng trong các phòng thí nghiệm chuyên khoa. Các xét nghiệm về FeLV phát hiện kháng nguyên p27 của virus, protein lõi của virus và dựa trên các xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết enzyme (ELISA) - hoặc công nghệ sắc ký miễn dịch (IC)

(Link tham khảo ELISA: https://vi.wikipedia.org/wiki/ELISA)

(Link tham khảo IC: http://biomedia.vn/review/sac-ky-ion-nhung-diem-can-luu-y-khi-lua-chon.html)

Các xét nghiệm kết hợp cho phép thử nghiệm đồng thời cho cả FeLV và FIV vì cả hai loại virus này có thể gây ra các dấu hiệu lâm sàng tương tự nhau. Có sự đồng nhất giữa kết quả phát hiện kháng nguyên thu được bằng cách sử dụng các hệ thống khác nhau này.

Không giống như các xét nghiệm FIV, xét nghiệm FeLV không bị ảnh hưởng bởi các kháng thể có nguồn gốc từ mẹ, vì vậy chúng có thể được sử dụng cho mọi con mèo ở mọi lứa tuổi.

Nhiều phòng thí nghiệm thương mại cũng cung cấp các xét nghiệm cho FeLV. Một số thực hiện xét nghiệm ELISAs hoặc IC, trong khi các phòng thí nghiệm chuyên ngành khác cung cấp các kiểm thử xác nhận (confirmatory test) bao gồm “phân lập virus” - sử dụng các dòng tế bào đặc trưng để làm tăng số lượng virus từ các mẫu mô thông qua quá trình gây nhiễm và nhân lên (https://www.prrs.com/vi/prrs/diagnostics/visurs-pcr/), phản ứng miễn dịch huỳnh quang và phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Phân lập virus phát hiện virus truyền nhiễm trong huyết tương trong khi miễn dịch huỳnh quang cho thấy kháng nguyên virus (protein) trong các tế bào bạch cầu. Một trong hai phương pháp này thường được coi là thử nghiệm cuối cùng (tiêu chuẩn vàng) đối với FeLV và có sự đồng nhất rất tốt giữa kết quả của hai phương pháp. Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) không được dử dụng rộng rãi. Xét nghiệm này phát hiện DNA đặc hiệu FeLV trong các tế bào bạch cầu. Một vấn đề là mặc dù nó xác định được mèo nhiễm virus, PCR cũng phát hiện DNA còn sót lại ở một số con mèo đã hồi phục sau khi nhiễm FeLV và sẽ tiếp tục hoàn toàn khỏe mạnh. Trước khi PCR có thể được sử dụng thường xuyên để chẩn đoán FeLV, cần nghiên cứu thêm để làm rõ cách giải thích kết quả.

[caption id="attachment_436" align="alignnone" width="612"]Xét nghiệm mèo có bị nhiễm FeLv hay không? Xét nghiệm mèo có bị nhiễm FeLv hay không?[/caption]

Có hai vấn đề quan tâm chính liên quan đến kết quả xét nghiệm thực tế đối với FeLV. Thứ nhất, trong khi các xét nghiệm này nhanh chóng và đơn giản để thực hiện, chúng có thể dẫn đến kết quả sai. Điều rất quan trọng là tránh các lỗi kỹ thuật bằng cách tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của nhà sản xuất. Hầu hết các xét nghiệm thực hành đều yêu cầu lấy mẫu máu và được thực hiện tốt nhất bằng huyết thanh hoặc huyết tương, thay vì máu bình thường. Các xét nghiệm được thiết kế để sử dụng mẫu nước bọt, được thu thập bằng cách sử dụng gạc miệng, cách này cũng hay được sử dụng, nhưng ít chính xác hơn so với xét nghiệm máu và thường không được khuyến khích sử dụng.

Vấn đề thứ hai là ngay cả với các xét nghiệm rất chính xác, khi nhiễm trùng có tỷ lệ lưu hành thấp (như với bệnh FeLV ở mèo khỏe mạnh), sẽ thu được một số lượng đáng kể kết quả dương tính không chính xác. Do đó, người ta đồng ý rằng một kết quả dương tính duy nhất ở một con mèo khỏe mạnh không nên được coi là biểu hiện của việc nhiễm bệnh và cần được xác nhận bằng một xét nghiệm chuyên biệt hơn như phân loại virus hoặc miễn dịch huỳnh quang. Trong khi tình trạng của những con mèo như vậy đang được chuẩn đoán, chúng nên được duy trì cách ly để tránh mọi nguy cơ có thể lây sang những con mèo khác.

Một tỷ lệ nhỏ mèo khỏe mạnh xét nghiệm dương tính với kháng nguyên (là phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là sản xuất kháng thể. Thông thường kháng nguyên là một protein hay một polysaccharide, nhưng nó cũng có thể là bất cứ loại phân tử nào, mang các phân tử hapten nhỏ và gắn với một protein chuyên chở - (https://vi.wikipedia.org/wiki/Kháng_nguyên) nhưng âm tính do phân lập virus hoặc miễn dịch huỳnh quang có thể tiếp tục ở trạng thái này trong một thời gian dài. Những con mèo “trái ngược” này rất có thể có trọng tâm nhiễm trùng ở đâu đó trong cơ thể nơi có thể giải phóng kháng nguyên, nhưng không phải virus, mà là vào máu. Mặc dù những con mèo này không có khả năng truyền virus, nhưng nếu chúng tiếp xúc với những con mèo khác, chúng nên được kiểm tra lại để đảm bảo không bị nhiễm virus.

Kết quả xét nghiệm âm tính trong thực tế đối với bệnh FeLV thường được coi là đáng tin cậy hơn với điều kiện xét nghiệm đã được thực hiện cẩn thận. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh FeLV ở một con mèo bị bệnh đã có xét nghiệm âm tính trong việc xét nghiệm thực tế, kết quả này cũng cần được xác nhận bằng cách phân lập virus hoặc miễn dịch huỳnh quang.

Những con mèo đã hồi phục sau khi bị nhiễm bệnh và miễn dịch thường sẽ có kháng thể trung hòa virus, có thể được phát hiện tại các phòng thí nghiệm chuyên khoa. Thử nghiệm này có thể hữu ích khi quyết định cách ly mèo trong một gia đình nuôi nhiều mèo đã được chuẩn đoán là nhiễm FeLV trước đó.

Chuẩn đoán cho mèo bị nhiễm bệnh

Những con mèo dương tính với FeLV nên được xem xét riêng biệt tùy theo hoàn cảnh của chúng; Việc phải làm gì với những mèo bị nhiễm bệnh đòi hỏi phải được thảo luận cẩn thận giữa bác sĩ phẫu thuật thú y và chủ nuôi.

Trường hợp mèo yếu và dương tính với FeLV

Mèo bị nhiễm bệnh có thể được điều trị triệu chứng và bằng hóa trị liệu nếu chúng bị ung thư hạch. Tuy nhiên, việc trợ tử phải được xem xét một cách nghiêm túc vì những con mèo bị nhiễm bệnh thường có tuổi thọ ngắn và trong khoảng thời gian còn lại của chúng có thể chúng sẽ không có được 1 cuộc sống thoải mái.

Trường hợp mèo khỏe nhưng dương tính với bệnh FeLV

Những con mèo này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh trong một khoảng thời gian đáng kể, nhưng đại đa số sẽ có tuổi thọ được rút ngắn rất nhiều (vài tháng hoặc vài năm). Chúng nên được chăm sóc giống như một con mèo không bị nhiễm bệnh, nhưng cũng nên được bảo vệ khỏi những con mèo mắc các bệnh truyền nhiễm khác và không nên để mèo bị căng thẳng. Vì mèo dương tính với FeLV có thể bài tiết virus, nên những con mèo này không được phép tiếp xúc với những con mèo khác đề phòng lây nhiễm virus sang những con mèo khác.

Tiêm phòng bệnh FeLV

[caption id="attachment_432" align="alignnone" width="600"]Tiêm phòng ngừa virus Felv Tiêm phòng ngừa virus Felv[/caption]

Một số loại vắc-xin khác nhau có sẵn cho việc chữa FeLV. Các loại vắc-xin đang hiện hành ở Anh cung cấp sự bảo vệ tốt chống lại nhiễm trùng tự nhiên, nhưng cũng như các loại vắc-xin khác, không thể tin cậy quá mức về việc vắc-xin sẽ có hiệu quả 100%. Do đó, không nên chủ quan việc 1 con mèo đã được tiêm phòng sẽ không thể bị nhiễm FeLV nữa. Nên tránh tiếp xúc gần gũi với các con mèo đang bị nhiễm FeLV hoặc nghi ngờ nhiễm FeLV để đề phòng trường hợp bị lây nhiễm virus.

Những lưu ý cụ thể

1. Nhà nuôi 1 con mèo

Mèo trong nhà và ngoài trời

Những con mèo nên được kiểm tra nếu chúng bị bệnh và có dấu hiệu tương thích với nhiễm FeLV. Một con mèo cưng bị nhiễm FeLV gây ra mối đe dọa cho những con mèo khác. Việc tiếp xúc gần gũi là một yếu tố rủi ro quan trọng đối với việc truyền nhiễm FeLV, nhưng khả năng lây lan qua vết cắn cũng phải được xem xét. Để ngăn chặn truyền virus cho những con mèo khác, mèo bị bệnh cần phải được giữ trong nhà. Trên cơ sở phúc lợi, điều này có thể không áp dụng được đối với một số con mèo không chịu được việc bị nhốt mãi ở trong nhà. Chủ nuôi phải cân nhắc rủi ro (với chính con mèo của họ và những con mèo khác ở các nhà bên cạnh) với ý nghĩa phúc lợi. Có thể lắp hàng rào trong vườn hoặc tạo nơi 1 chỗ chơi nơi mèo có thể ra ngoài và không tạo rủi ro cho bản thân chú mèo hoặc những con mèo khác.

[caption id="attachment_431" align="alignnone" width="596"]Mèo nuôi trong nhà và ngoài trời Mèo nuôi trong nhà và ngoài trời[/caption]

Mèo nuôi nhốt trong nhà

Những con mèo bị nuôi nhốt kín trong nhà thường không có khả năng lây nhiễm FeLV. Tuy nhiên, ở đây thường có một quá trình kéo dài giữa thời gian đầu nhiễm virus và thời gian phát bệnh. Mèo có thể bị nhiễm bệnh từ trước khi bị nuôi nhốt, ví dụ như bị lây nhiễm từ mèo mẹ. Do đó, những con mèo lớn có thể chết do nhiễm FeLV, mặc dù chúng hầu như hòan toàn bị cách ly với các con mèo khác từ nhỏ.

2. Nhà nuôi nhiều mèo

Những cân nhắc tương tự về những rủi ro có thể xảy ra khi lây bệnh từ những nhà chỉ nuôi ít mèo cũng nên được áp dụng cho các nhà nuôi nhiều mèo. Đây là một mối quan tâm đặc biệt với FeLV, dễ dàng lây truyền virus trong một gia đình nuôi nhiều mèo. Nếu một con mèo được nuôi trong nhà được xác định là bị nhiễm FeLV, thì tất cả những con mèo khác trong nhà nên được xét nghiệm và phân loại những con mèo dương tính và âm tính với bệnh để tránh lây nhiễm thêm. Mèo nên được kiểm tra lại 12 tuần sau đó để xác định xem có những con mèo nào đã khỏi bệnh và những con mèo nào vừa bị nhiễm bệnh, sau đó trở nên dương tính với bệnh.

Nên xét nghiệm mèo trước khi đưa mèo mới về ở chung với các con mèo khác trong nhà phải được thực hiện để tránh sự lây lan sang những con mèo khác.

3. Các tổ chức giải cứu, cứu hộ mèo

Những quy tắc xét nghiệm nào nên được áp dụng cho các con mèo tới các cơ sở cứu hộ?

Lý tưởng nhất là tất cả các con mèo nên được kiểm tra để biết tình trạng FeLV của chúng. Tuy nhiên, vì điều này là không khả thi về mặt kinh tế, hầu hết các tổ chức cứu hộ đã áp dụng phương pháp xét nghiệm mèo được coi là có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Chúng bao gồm mèo bệnh, mèo đi lạc và mèo hoang. Nếu bất kỳ kết quả nào dương tính, tất cả những con mèo mà chúng đã tiếp xúc cũng nên được kiểm tra. Mèo đang mang thai nên được kiểm tra kỹ lưỡng vì tất cả các mèo con đều có khả năng sẽ bị nhiễm virus từ mèo mẹ.

[caption id="attachment_430" align="alignnone" width="599"]Lưu ý cho các tổ chức cứu hộ mèo Lưu ý cho các tổ chức cứu hộ mèo[/caption]

Trách nhiệm / cân nhắc pháp lý cho các cơ sở cứu hộ là gì?

Các cơ sở cứu hộ có nhiệm vụ chăm sóc và nên đảm nhận những gì hợp lý trong hoàn cảnh. Như đã nêu ở trên, các cơ sở cứu hộ có thể không đủ khả năng tài chính để xét nghiệm mọi con mèo, nhưng không có con mèo nào đã được xét nghiệm là dương tính với FeLV được đưa về nhà mới cùng với chủ mà không được thông báo đầy đủ về các rủi ro.

Các hình thức xét nghiệm được đề xuất cho mèo trưởng thành và mèo con là gì?

Nếu một con mèo khỏe mạnh được kiểm tra có kháng nguyên âm tính trong các xét nghiệm, có khả năng cao là nó thực sự âm tính.

Nếu một con mèo bị bệnh xét nghiệm dương tính với kháng nguyên, nó rất có khả năng bị nhiễm bệnh.

Nếu một con mèo khỏe mạnh kiểm tra kháng nguyên dương tính, sau đó kiểm tra lại bằng cách sử dụng một kiểm thử xác nhận (confirmatory test) như miễn dịch huỳnh quang hoặc phân lập virus. Nếu dương tính trong xét nghiệm này, con mèo gần như chắc chắn bị nhiễm bệnh.

Nếu một con mèo khỏe mạnh kiểm tra kháng nguyên dương tính nhưng âm tính trong kiểm thử xác nhận, hãy kiểm tra lại sau 12 tuần để xác nhận rằng nó vẫn âm tính với virus. (Tùy trường hợp, các nhân viên cứu hộ có thể không duy trì được mèo trong thời gian này, trong trường hợp đó, chủ nuôi tương lai được khuyên nên xét nghiệm lại với những con mèo này).

Nên làm gì với mèo dương tính với FeLV?

Hai sự thật cần được xem xét: những con mèo có kết quả xét nghiệm dương tính có khả năng có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với những con mèo không bị nhiễm bệnh; và virus huyết trong mèo có thể truyền virus gây bệnh cho những con mèo khác khi tiếp xúc. Vì những lý do này, rất khó để các nhân viên cứu hộ có thể tìm nhà mới cho một con mèo dương tính với FeLV. Những con mèo bị bệnh mà xét nghiệm dương tính bằng cách phân lập virus hoặc miễn dịch huỳnh quang, chúng ta có thể cân nhắc tới việc trợ tử cho chúng. Những con mèo khỏe mạnh có thể được phục hồi trong những điều kiện nhất định: chúng không nên được đưa vào một ngôi nhà mà chúng sẽ tiếp xúc với những con mèo không bị nhiễm FeLV; và không nên được phép tự do đi lang thang bên ngoài. Nếu những điều kiện này không thể được đáp ứng, và không thể nuôi những con mèo này một cách tốt nhất trong các cơ sở cứu hộ một thời gian dài, chúng ta cũng nên suy nghĩ tới việc trợ tử.

4. Mèo hoang

Mèo con hoang trong độ tuổi trưởng thành đủ điều kiện để tìm nhà mới cho chúng cần được tiến hành các xét nghiệm kiểm tra bệnh. Tất cả những con mèo hoang nên được kiểm tra và những con mèo dương tính với FeLV thì nên cân nhắc tới việc trợ tử hơn là thả chúng về chỗ cũ.

5. Nuôi / mua, bán mèo

Không bao giờ nên nhân giống mèo bị nhiễm FeLV. Chủ nuôi và các nhà lai tạo mới nên đảm bảo rằng những con mèo mà họ dự định mua là hoàn toàn không nhiễm FeLV. Hầu hết các nhà lai tạo kiểm tra FeLV một cách thường xuyên và hầu hết những con mèo được nuôi để sinh sản đều được giữ trong nhà hoặc trong những nơi mà FeLV không thể được truyền bệnh tới mèo. Để duy trì cho những con mèo nhà âm tính với FeLV, tất cả mèo phải được kiểm tra xét nghiệm trước khi đưa vào nhà.

Lưu ý từ Monspet: Nội dung của bài viết trên được Monspet dịch từ báo nước ngoài và việc trợ tử nhân đạo cho các bé mèo tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình trạng và suy nghĩ của người nuôi. Theo quan điểm cá nhân của Monspet thì bệnh “không chữa trị được hay rất khó chữa trị” chúng ta cũng không nên nghĩ đến chuyện trợ tử. “Không chữa được” nhưng nếu bệnh không gây đau đớn gì cho mèo và mèo vẫn ăn uống sống bình thường thì tại sao chúng ta lại trợ tử cho chúng? Trợ tử chỉ nên được cân nhắc khi con vật mắc bệnh không chữa trị được hay rất khó chữa trị và ĐANG PHẢI CHỊU NHIỀU ĐAU ĐỚN. Trợ tử là giúp con vật thoát khỏi sự đau đớn chứ không phải giải thoát mình khỏi một vài khó khăn nào đó. Độc giả nên cân nhắc kĩ trước khi quyết định trợ tử nhân đạo cho bất kì một con vật nào.

Nguồn: Monspet.com

Bài viết này được trích dịch từ nguồn: http://www.thecatgroup.org.uk/policy_statements/felv.html

(Tổ chức phúc lợi mèo uy tín tại Anh)

Xem thêm:

https://about.me/monspet/

https://twitter.com/MonsPetblog

Đọc nguyên bài viết tại :
Virus gây bệnh leukemia – bệnh bạch cầu ở mèo (FeLV)

Nhận xét